Suy Nghiệm (chung cho cả 3 năm A-B-C)
"Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần".
Phụng Vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi, đối với bài đọc chính là bài Phúc Âm, thì bài Phúc Âm cho chu kỳ 3 Năm A, B và C không còn theo thứ tự ấn định nữa, Năm A với Phúc Âm Thánh Mathêu, Năm B với Phúc Âm Thánh Marcô và Năm C với Phúc Âm Thánh Luca.
Bởi vì, Phúc Âm Thánh Luca và Phúc Âm Thánh Marcô không có đoạn nào chất chứa mạc khải rõ ràng về Chúa Ba Ngôi (cho dù các đoạn Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa và Chúa Giêsu Biến Hình ở 2 Phúc Âm này cũng ám chỉ về Chúa Ba Ngôi), như các đoạn khác trong Phúc Âm Thánh Mathêu hay trong Phúc Âm Thánh Gioan.
Đó là lý do Giáo Hội đã chọn đọc Phúc Âm của Thánh Gioan cho Năm A (3:16-18) cũng như cho Năm C (Gioan 16:12-15), và Phúc Âm Thánh Mathêu cho Năm B (28:16-20). Chắc chắn việc Giáo Hội chọn lựa 3 bài Phúc Âm cho Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi như thế cũng có một mật thiết liên hệ với nhau về ý nghĩa của 3 bài Phúc Âm này, theo thứ tự Phúc Âm Thánh Gioan (Năm A) rồi sang Phúc Âm Thánh Mathêu (Năm B) và trở lại với Phúc Âm Thánh Gioan (Năm C), chứ không sử dụng bài Phúc Âm Thánh Mathêu cho Năm A đầu tiên vì Phúc Âm này là Phúc Âm chất chứa mạc khải về Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi rõ nhất trong toàn bộ Thánh Kinh.
Đúng thế, tôi cho rằng bài Phúc Âm của Thánh Mathêu cho Năm B là bài Phúc Âm chính yếu cho Lễ Chúa Ba Ngôi, không phải vì bài Phúc Âm này chất chứa rõ ràng Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi: "Các con hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" (Mathêu 28:19), mà còn vì bài Phúc Âm này có liên hệ mật thiết với hai bài Phúc Âm của Thánh Gioan ở Năm A và Năm C nữa. Tại sao?
Xin thưa, nếu có một số con người nào đó, trong đó có chúng ta, được Thiên Chúa dựng nên và sinh vào trần gian này theo tự nhiên, nhưng sau đó đã được trở nên thành phần dưởng tử của Thiên Chúa qua Phép Rửa (như Phúc Âm Thánh Mathêu Năm A đề cập), là do hoàn toàn bởi Thiên Chúa, Đấng "đã yêu thương thế gian đến ban Con Một của Ngài để ai tin vào Người thì không phải chết nhưng được sự sống đời đời" (như Phúc Âm Thánh Gioan Năm A cho thấy), nhờ đó, họ có thể được hiệp thông thần linh với Ba Ngôi do Thánh Thần là Đấng lầy tất cả những gì của Cha nơi Con mà "thông ban" cho họ (như Phúc Âm Thánh Gioan Năm C trình thuật).
Ở đây, qua bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu liên quan đến Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi, chúng ta nên lưu ý mấy điều sau đây:
1- Chúa Giêsu truyền cho các các tông đồ 3 sứ vụ liền: "đi tuyển mộ các môn đồ từ mọi dân nước", "làm phép rửa cho họ" và "giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thày đã truyền cho các con". Ba việc này liên quan đến 3 vai trò của hàng giáo phẩm (bao gồm cả hàng giáo sĩ), đó là vai trò quản trị ("các môn đồ"), vai trò thánh hóa ("làm phép rửa") và vai trò giáo huấn ("giảng dạy"). Ở một nghĩa nào đó, 3 sứ vụ này, theo thứ tự, cũng liên quan đến Mầu Nhiệm Thiên Chúa 3 Ngôi là Cha (Đấng Hóa Công - đã tạo dựng nên "mọi dân nước"), và Con (Đấng Cứu Thế - cần phải tin vào Người bằng việc lãnh nhận "phép rửa") và Thánh Thần (Thần Chân Lý - Đấng đã dùng các tiên tri mà "giảng dạy").
2- Vấn đề ở đây là nếu 3 Ngôi chỉ là một Thiên Chúa duy nhất vì đồng bản thể, thì tại sao lại xẩy ra vấn đề "sai" nhau: Cha sai Con (xem Gioan 3:17, 5:37, 10:36, 12:49, 14:24, 20:21 v.v.) và Con sai Thánh Thần (xem Gioan 16:26; Luca 24:49). Theo lập luận và lý lẽ tự nhiên thì thành phần được sai bao giờ cũng thấp kém hơn vị sai mình, thế nhưng, nơi Mầu Nhiệm Ba Ngôi được "sai" đây có nghĩa là xuất phát từ: Con nhiệm sinh từ Cha, và Thánh Linh nhiệm xuất từ Cha và Con. Nơi Thiên Chúa là Đấng tự hữu, hiện hữu và hằng hữu không có thời gian nên không có vấn đề Cha sinh ra Con nên có trước Con và Thánh Linh được nhiệm xuất từ Cha và Con nên có sau Ngôi Cha và Ngôi Con.
3- "Rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" ở đây, nhờ vai trò thánh hóa của Giáo Hội, qua các thừa tác viên thánh chức của Giáo Hội, không phải chỉ có ý nghĩa tiêu cực là "rửa tội", là "thanh tẩy", là tha "nguyên tội" và tư tội (nếu đã khôn lớn) cho người lãnh nhận cùng với tất cả mọi hình phạt gây ra bởi tội họ đáng phải chịu, mà còn bao gồm ý nghĩa tích cực chính yếu đó là thông ban sự sống thần linh của Thiên Chúa và với Thiên Chúa cho lãnh nhận nhân, nhờ đó thành phần lãnh nhận Phép Rửa được thông phần với bản tính thần linh của Thiên Chúa mà trở nên con cái của Thiên Chúa Ngôi Cha, chi thể của Thiên Chúa Ngôi Con và đền thờ của Thiên Chúa Ngôi Ba.
Thiên Chúa Ngôi Con bởi Thiên Chúa Ngôi Cha - "được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha" (Kinh Tin Kính của Công Đồng Chung Nicea và Constantinople cho cả Giáo Hội Chính Thống Giáo và Giáo Hội Công Giáo), và Thiên Chúa Ngôi Ba là Thánh Thần "bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra" (Kinh Tin Kính của Giáo Hội Công Giáo).
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chính yếu là một Thực Tại Hiệp Thông Thần Linh, bao gồm 2 yếu tố chính yếu bất khả thiếu và bất khả phân ly: thứ nhất là bởi nhau mà ra chứ không phải từ ngoài; thứ hai là đồng bản thể với nhau và như nhau, chứ không khác biệt, có khác biệt là ở Ngôi Vị, ám chỉ tính cách hay sứ vụ đối ngoại của Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất. Riêng về chi tiết "đồng bản thể", yếu tố nội tại nơi Vị Thiên Chúa duy nhất ở đây có thể hiểu như Tấm Bánh Thánh Thể được bẻ ra làm 3 miếng (biểu hiệu cho Ba Ngôi Thiên Chúa: miếng lớn (tiêu biểu Ngôi Cha), miếng vừa (tiêu biểu cho Ngôi Con) và miếng nhỏ (tiêu biểu cho Ngôi Ba), nhưng miếng nào cũng là Thánh Thể vì miếng nào cũng là bản thể Thánh Thể.
Mầu Nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa thật ra đã được mạc khải lờ mờ trong Thánh Kinh Cựu Ước rồi. Chẳng hạn như khi Thiên Chúa dựng nên loài người thì Ngài đã sử dụng chữ "chúng ta": "Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh của chúng ta và tương tự như chúng ta" (Khởi Nguyên 1:26-27). Cũng trong Thánh Kinh Cựu Ước, Ba Ngôi Thiên Chúa cũng tỏ mình ra nơi cuộc thần hiển ở bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi (xem Xuất Hành 3:2): bụi gai hữu hình đây ám chỉ Chúa Kitô khổ nạn, lửa thiêu đây ám chỉ Thánh Linh, như khi Ngài lấy hình lưỡi lửa hiện xuống trên đầu các vị tông đồ trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, Đấng làm cho Chúa Kitô tử giá phục sinh, và tiếng nói phát ra từ bụi gai đây ám chỉ Ngôi Cha.
Chúng ta cũng có thể chiêm ngắm mầu Nhiệm Ba Ngôi nơi hai nguyên tổ của loài người chúng ta, cũng như nơi Mẹ Maria là Đệ Nhất Tạo Vật về Ân Sủng, và cả ở nơi các thứ khoa học của loài người, như hữu thể học, ngôn ngữ học và vật lý học.
Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa nơi hai nguyên tổ của loài người chúng ta, đó là Thiên Chúa dựng nên chỉ có 1 con người đầu tiên duy nhất, và từ con người đầu tiên duy nhất này mới có con người thứ hai, xuất phát từ con người đầu tiên duy nhất ấy và đồng bản chất với nhau, (chứ không phải từ bùn đất), và tình yêu hiệp thông nên một đã tự nhiên xuất phát từ con người đầu tiên duy nhất này với con người từ mình mà ra ấy, để cả hai hiệp nhất nên một với nhau ở chỗ nhận biết nhau.
Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa nơi Mẹ Maria là Đệ Nhất Tạo Vật về Ân Sủng đó là chỉ có một con người Đức Maria duy nhất, nhưng con người đầy ơn phúc duy nhất này mang tính cách hay đóng cả 3 vai trò: làm con Ngôi Cha, làm mẹ Ngôi Con và làm bạn Ngôi Ba. Tính cách hay vai trò nơi Mẹ Maria vừa làm con, làm mẹ và làm bạn của Thiên Chúa đây tiêu biểu cho sứ vụ của từng Ngôi Vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa.
Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa cũng có thể được thể hiện một phần nào nơi các khoa học của loài người, vì các khoa học này có thể được hiểu là như những dụ ngôn ám chỉ một mầu nhiệm nội tại siêu việt, nhất là nơi khoa hữu thể học, tâm lý học, vật lý học và toán học.
Nơi hữu thể học: trước hết về hữu thể, theo tâm lý con người bao gồm "cái tôi" là chủ thể (tiêu biểu cho Ngôi Cha), "bản thân" tôi (là chính tôi - tiêu biểu cho Chúa Con "là hình ảnh Thiên Chúa vô hình" - Colose 1:15), và "tâm linh" tôi (nhận biết chính bản thân minh và gắn bó bất khả phân ly với bản thân mình - tiêu biểu cho Thánh Thần là Đấng "thấu suốt mọi sự nơi Thiên Chúa" - 1Corinto 2:10); sau nữa về hiện hữu, trong đời sống, con người có thể hiện hữu ở 3 thể thức khác nhau: thể tĩnh (tiêu biểu Chúa Cha trên trời), thể hiện (tiêu biểu Lời Nhập Thể) và thể động (tiêu biểu cho Thánh Linh: "Gió muốn thổi đâu thì thổi" - Gioan 3:8).
Nơi ngôn ngữ học: ngôn ngữ bao gồm 3 yếu tố nhưng chỉ là một đó là ý nói (biểu hiệu cho Chúa Cha liên quan đến ý định của Ngài, một ý định được tỏ ra) ở nơi lời nói ra, lời nói diễn tả ý tưởng chất chứa bên trong (biểu hiệu cho "Lời đã hóa thành nhục thể... để tỏ Cha ra" - Gioan 1:14,18), và tiếng nói để phát biểu lời nói theo ý tưởng muốn nói nghĩa là cố ý nói (biểu hiệu cho Thánh Thần là Thần Chân Lý tác động mọi sự nơi Chúa Kitô theo đúng như ý Cha, Đấng đã sai Người, và "tiếng nói", biểu hiệu Thánh Thần) mới làm cho người ta nghe được "lời nói", biểu hiệu cho Chúa Kitô, mà làm theo ý muốn nói, tiêu biểu cho Chúa Cha).
Nơi vật lý học: trước hết là nước ở cả 3 thể (biểu hiệu cho 3 Ngôi Vị) khác nhau, bao gồm thế lỏng, thể đặc (tiêu biểu cho Lời hóa thành nhục thể hữu hình) và thể khí (tiêu biểu cho Thánh Linh, cho Thần Khí), nhưng thể nào cũng chỉ là nước và từ nước .... Sau nữa, là ánh sáng (tiêu biểu cho Chúa Cha) nhưng lại vừa chiếu soi (biểu hiệu cho Chúa Giêsu Kitô là mạc khải thần linh của Chúa Cha: "tỏ Cha ra" - Gioan 1:18) lại vừa nung nóng (tiêu biểu cho Thánh Thần, như hai môn đệ về Emmau cảm thấy "lòng nóng lên" khi nghe Lời Chúa từ Vị Khách lạ đồng hành - Luca 24:32)
Nơi toán học: Thiên Chúa duy nhất nhưng có 3 Ngôi Vị khác nhau liên quan đến tính cách hay sứ vụ đối ngoại của từng Ngôi Vị, nhưng vẫn chỉ là một Thiên Chúa Duy Nhất đồng bản thể với nhau và như nhau, chứ không phải là 3 Thiên Chúa, như 1 x 1 x 1 = 1, chứ không phải 1 + 1 + 1 = 3. Toán "Nhân" đây ám chỉ mối hiệp thông nên một, như trường hợp Chúa Giêsu là Con của Chúa Cha, còn toán "cộng" đây ám chỉ thông phần, như con người được thông phần vào bản tính của Thiên Chúa khi lãnh nhận Phép Rửa.
Nếu chân lý Ba Ngôi được Thánh Kinh Tân Ước nói chung và Phúc Âm nói riêng mạc khải thì chân lý Thiên Chúa chân thật duy nhất là tất cả mạc khải thần linh của Thánh Kinh Cựu Ước và trong Lịch Sử Cứu Độ của dân Do Thái. Đó là lý do trong bài đọc 1 hôm nay, được trích từ sách Đệ Nhị Luật (4:32-34,39-40), Ông Moisen, sau khi chứng minh cho thấy kỳ công trong thiên nhiên vạn vật cũng như và nhất là trong lịch sử của chính dân Do Thái, để khuyên dân "hãy tuân giữ các lề luật và giới răn mà hôm nay chính ta truyền dạy", mới khẳng định với dân của mình rằng: "Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác" - Thiên Chúa duy nhất!
Trong bài đọc 2 hôm nay, được trích từ Thư Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Rôma (8:14-17), vị tông đồ dân ngoại này nhắc nhở Kitô hữu về sự sống thần linh nơi họ là thành phần đã được trở nên con cái Thiên Chúa, một sự sống thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa và với Thiên Chúa Ba Ngôi, một sự sống thần linh nhờ Thánh Thần là Đấng đã được ban cho chúng ta và ở trong chúng ta để làm cho chúng ta thành con cái Thiên Chúa, nên một với Chúa Kitô là Con Duy Nhất của Thiên Chúa và cùng với Chúa Kitô trở nên những kẻ "thừa tự của Thiên Chúa":
“Chính Thánh Thần đã làm chứng cho tâm trí của chúng ta rằng: Chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Vậy nếu chúng ta là con cái, thì chúng ta cũng là những người thừa tự: nghĩa là những người thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Đức Kitô: vì chúng ta đồng chịu đau khổ với Người, để rồi chúng ta sẽ cùng hưởng vinh quang với Người”.
"Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen".
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL